Kiểm soát tốt côn trùng và sâu hại mùa màng là một trong những tiêu chí quan trọng giúp nâng cao chất lượng cũng như năng suất cây trồng. Trong đó, nhện đỏ là loài dịch hại nguy hiểm khá phổ biến hiện nay. Chúng thường xuất hiện vào mùa nắng nóng và “đe dọa” sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Để tìm cách phòng trừ nhện đỏ hiệu quả, trước tiên, bà con cần nhận biết được sự xuất hiện của nhện đỏ, từ đó có biện pháp kiểm soát kịp thời. Cùng EcoClean tìm hiểu chi tiết hơn trong bài viết sau đây!
Đặc điểm chung của nhện đỏ
- Tên khoa học: Tetranychus sp.
- Họ: Tetranychidae
- Bộ: Acarina.
Nhện đỏ là loài dịch hại phổ biến thường sống tập trung thành bầy đàn, khả năng sinh sản rất nhanh. Chúng sinh sản quanh năm nhưng phát triển mạnh nhất vào mùa hè (thời tiết nóng, khô) và mùa thu từ tháng 4 – 9 hàng năm. Kích thước của nhện đỏ rất nhỏ, khó có thể quan sát bằng mắt thường.
Nhện đỏ ký sinh ở mặt trên của những lá già, lá bánh tẻ (mật độ cao thường tập trung ở mặt dưới lá, cành lộc non, quả). Chúng chích hút nhựa cây tạo nên các chấm nhỏ li ti màu trắng bạc hoặc hơi vàng trên lá.
Dấu hiệu nhận biết nhện đỏ hại cây trồng
Việc sớm phát hiện nhện đỏ tấn công cây trồng sẽ giúp bà con đưa ra biện pháp kiểm soát kịp thời, tránh gây thiệt hại lớn đến sự sinh trưởng cũng như năng suất cây trồng.
Cách thức lan truyền của nhện đỏ
Nhện đỏ lan truyền từ cây này sang cây khác, cành này qua cành khác nhờ vào tập tính giăng tơ, gió hoặc các dụng cụ làm vườn.
Đặc điểm gây hại và hậu quả do nhện đỏ gây ra
Loài nhện đỏ thường gây hại trên các loại rau màu như cà chua, dưa leo, dưa lưới, mướp, bầu, bí,… ; các loại hoa như: hoa cúc, hoa mai, hoa hồng, hoa hướng dương,… và gây hại nghiêm trọng trên các cây ăn quả như: nho, bưởi, cam, quýt,… Nhện đỏ gây hại cho cây trồng bằng cách chích hút vào thân cây, tập trung ở cả mặt trên và mặt dưới lá. Chúng có khả năng di chuyển rất nhanh, nhả tơ tấn công cây trồng và tạo ra màng tơ trắng xám trên lá.
- Khi nhện chích hút nhựa cây, cắn phá biểu bì sẽ làm cho cây giảm khả năng quang hợp, tăng thoát hơi nước, đồng thời giảm sự sinh trưởng. Cây dần bị mất màu xanh, lá cây ngả vàng.
- Cây bị gây hại nhẹ thì lá có đốm trắng li ti như hạt bụi, dần chuyển sang vàng, phồng rộp, cằn lại, khô cứng và rụng. Còn với những cây bị hại nặng, lá cây có màu trắng bạc, dễ bị rụng, cây còi cọc, sinh trưởng, phát triển kém.
- Khi mật độ nhện đỏ tăng cao, cả cành non, chồi non cũng bị tấn công, cành cây trở nên khô và chết.
- Ngoài ra, nhện đỏ gây hại còn làm cho trái bị ngả vàng, sạm và nứt khi trái lớn. Hoa bị hại có thể bị héo, rụng dần. Đặc biệt, nhện còn có thể truyền bệnh virus cho cây, gây nên những căn bệnh khác nghiêm trọng hơn.
Vòng đời của nhện đỏ ngắn nên mật độ sản sinh của chúng tăng lên rất nhanh, các thế hệ chồng chéo lên nhau nên nhện đỏ có thể trở nên kháng thuốc trừ sâu hóa học, mức độ gây hại khi đó cũng nghiêm trọng hơn. Vì vậy, cần sớm phát hiện và tìm cách phòng trừ nhện đỏ nhanh chóng để ngăn ngừa sự lây lan, bảo vệ cây trồng.
>>> Bạn có đang quan tâm: Đâu là loại phân hữu cơ cho cây trồng tốt nhất?
Cách nhận biết khi cây bị nhện đỏ tấn công
Bà con có thể nhận biết cây trồng bị nhện đỏ tấn công thông qua các dấu hiệu sau đây:
- Xuất hiện những đốm trắng hoặc vàng li ti gần các gân lá hoặc toàn bộ lá.
- Vào lúc sáng sớm có ánh sáng xuyên qua, nhìn lên ngọn cây thấy tơ nhện giăng xung quanh và những chấm nhỏ li ti di chuyển, đó chính là nhện đỏ.
- Phía mặt dưới của lá cây sẽ thấy những sợi tơ mỏng, hoặc nếu soi bằng kính lúp sẽ thấy nhện đỏ đang hoạt động.
- Dùng một tờ giấy trắng miết nhẹ lên 2 bề mặt lá sẽ thấy xuất hiện những vệt màu nâu đỏ, đó chính là nhện đỏ.
Những cách phòng trừ nhện đỏ hiệu quả
Những cách phòng trừ nhện đỏ được EcoClean chia sẻ dưới đây sẽ giúp bà con kiểm sát cũng như tiêu diệt loài dịch hại này.
Tưới phun sương cho cây trồng
Nhện đỏ thường hay xuất hiện ở mặt dưới của lá cây khi tiết trời khô nóng để chích hút dinh dưỡng của cây. Vì vậy, việc tưới phun sương thường xuyên sẽ giúp toàn bộ lá cây trở nên ẩm ướt, mặt lá bết dính khiến nhện đỏ không di chuyển được. Với những loại cây ăn quả, bà con cần dùng vòi phun nước với áp lực mạng để có thể rửa trôi nhện đỏ còn đu bám trên cây. Bên cạnh đó, tưới nước cũng là cách giúp cây trồng phục hồi nhựa sau khi bị dịch hại chích hút.
Ngoài ra, nhện đỏ thường tấn công các cây trồng đang bị thiếu nước. Do đó, tưới nước đúng cách là điều cần thiết để giúp xua đuổi và loại bỏ loài dịch hại nhện đỏ.
Sử dụng bột (bột mì, bột gạo, bột sắn,…)
Đây là cách phòng trừ nhện đỏ bằng những nguyên liệu sẵn có, dễ tìm. Bà con có thể lấy 1 muỗng cà phê bột mì, bột gạo hoặc bột sắn pha với 2 lít nước sau đó khuấy đều để tạo thành hỗn hợp. Sử dụng hỗn hợp này phun lên những cây trồng bị nhện đỏ tấn công. Hỗn hợp này có tác dụng làm dính chân nhện khiến chúng không thể di chuyển và bít lỗ thở của nhện sau khi khô.
Sau khi đã phun hỗn hợp này 1 ngày, bà con nên phun lại bằng nước sạch để rửa lá. Nếu không sẽ làm bít các lỗ thở trên lá, khiến cây không thể quang hợp.
Dùng tinh dầu bạc hà
Sử dụng tinh dầu bạc hà là cách phòng trừ nhện đỏ hiệu quả khi mật độ còn thấp. Tinh dầu bạc hà khi phun lên cây sẽ tác dụng lên phần da và mắt của nhện đỏ khiến chúng bị tiêu diệt ngay sau đó.
Tạo điều kiện sinh sống cho các loài thiên địch của nhện đỏ
Thiên địch có vai trò vô cùng quan trọng trong việc tiêu diệt nhện đỏ. Vì vậy, một trong những cách phòng trừ nhện đỏ an toàn và hiệu quả mà bà con có thể áp dụng đó là tạo điều kiện sống cho thiên địch của nhện đỏ.
Đó có thể là các loài côn trùng săn mồi như ấu trùng bọ cánh gân, bù lạch, bọ trĩ bắt mồi, bọ xít nhỏ, bọ rùa,… Các loài thiên địch này có thể giúp giảm số lượng nhện đỏ nếu được sinh sống trong khu vườn.
Nhanh chóng dọn sạch tàn dư thực vật, loại bỏ những phần cây bị nhiễm nhện đỏ
Tiến hành nhặt lá rụng và ngắt bỏ những chiếc lá đã bị ngả vàng. Đây là cách ngăn chặn nhện đỏ lây lan sang những cây khác gần đó. Mang những lá cây bị nhện đỏ phá hoại cho vào túi ni lông kín và bỏ vào thùng rác hoặc đem đốt để tiêu diệt triệt để sự lây lan của nhện đỏ.
Nếu 1 cây trong vườn bị nhện đỏ tấn công, phá hoại, bà con nên cân nhắc loại bỏ, tiêu hủy cả cây. Điều này sẽ mang đến cơ hội sống sót cho những cây còn lại trong khu vườn.
Như vậy, dấu hiệu nhận biết nhện đỏ phá hoại cây trồng cũng như những cách phòng trừ nhện đỏ hiệu quả đã được EcoClean chia sẻ chi tiết trong bài viết trên. Hy vọng những kinh nghiệm hữu ích này sẽ giúp bà con nhanh chóng khắc phục tình trạng nhện đỏ tấn công khu vườn, bảo vệ mùa màng.
Tìm hiểu ngay:
Vi sinh ủ phân | Cách ủ phân vi sinh hữu cơ tại nhà
Men vi sinh ủ phân EcoClean Compost – Sản phẩm không thể thiếu cho nhà nông