Từ lâu nay, trong quy hoạch phát triển đô thị hay nông thôn mới, vấn đề xử lý rác thải chưa được quan tâm một cách đúng mức. Do đó, tâm lý “đưa rác ra khỏi khuôn viên nhà mình là xong” hiện còn khá phổ biến. Thực tế này đã dẫn đến tình trạng rác thải bao vây khắp nơi.
Ngày 21/12, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Hội thảo “Bàn về các giải pháp và mô hình công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt”. Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết:
Phương pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay chủ yếu là chôn lấp, trong đó chỉ có khoảng 30% các bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Ngoài ra, trên cả nước hiện có khoảng 30 cơ sở xử lý chất thải thành phân mùn hữu cơ (compost) và gần 300 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt (chủ yếu là lò đốt rác cỡ nhỏ, quy mô cấp xã).
Theo số liệu ước tính, khoảng 36% số hộ ở cấp xã tự tiêu hủy chất thải tại gia đình bằng các hình thức như chôn lấp, làm chất độn chuồng và phổ biến nhất là đốt thủ công ngay trong vườn nhà; chất thải rắn được đổ tại các bãi rác tạm. Đã có một số địa phương hướng dẫn nhân dân ở khu vực nông thôn xử lý chất thải bằng công trình khí sinh học (biogas) hoặc ủ sinh học làm phân hữu cơ (compost) nhưng số lượng còn rất ít.
Điều này cho thấy, công nghệ được coi là một trong những nguyên nhân chính nhưng chưa phải là nguyên nhân quan trọng nhất. Bởi lẽ bên cạnh các bãi chôn lấp rác, các nhà máy XLRT quá tải, gây ô nhiễm môi trường, vẫn có một tỷ lệ nhất định các bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh (một số bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu …), có một tỷ lệ nhất định các nhà máy XLRT làm phân bón hữu cơ vi sinh (tại Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu), nhà máy đốt rác thải kết hợp phát điện (tại TP. Cần Thơ) hoạt động hiệu quả, đạt các quy chuẩn môi trường. Vấn đề lớn nhất, quan trọng nhất mang tính quyết định hiện nay trong XLRT tại Việt Nam không phải kỹ thuật, mà là tài chính. Do đơn giá XLRT quá thấp, nên không đủ hấp dẫn các nhà đầu tư công nghệ cao, đồng thời, cản trở quá trình đầu tư xã hội hóa trong lĩnh vực này.
Rẻ và phổ biến hơn là phương pháp chôn, chi phí chôn lấp 1 tấn rác thải sinh hoạt chỉ bằng 1/6 chi phí đốt lò, bằng 1/90 phương pháp tái chế. Thế nhưng theo bộ Tài nguyên môi trường hơn 2/3 các bãi rác chôn lấp không hợp về sinh. Chi phí thấp nhất thực hiện nhanh nhất đó là tìm 1 bãi đất trống xa khu dân cư và chất rác lên. Hết ngày này qua ngày khác, không ít bãi rác đã thành núi rác hùng vĩ, hiên ngang, trường tồn theo thời gian.
Theo Tổng cục Môi trường, chôn lấp là biện pháp rẻ tiền nhất, ít tốn kém nhất nên được sử dụng nhiều. Không chỉ ở Việt Nam, hầu hết, các nước đang phát triển vẫn áp dụng mặc dù công nghệ này không giải quyết hoàn toàn bài toán môi trường. Bất cập lớn hiện nay ở những bãi rác sử dụng công nghệ chôn lấp nhưng lại không làm tầng lót đáy tốt dẫn đến hiện tượng nước rác rỉ, gây mùi hôi.
Đồng quan điểm này nhiều chuyên gia cho rằng, trước mắt, chôn lấp rác vẫn là biện pháp phù hợp nhất với điều kiện hiện nay của Việt Nam. Tuy vậy, phải có quy hoạch, chúng ta phải chọn được đúng nơi, xử lí về nền móng, xử lí về vi sinh để đảm bảo vệ sinh và làm thế nào có thể thu được nước thải để xử lí, đó là những vấn đề về kĩ thuật. Phải có sự điều chỉnh ngay cả trong tư duy làm quy hoạch và cách nghĩ đi từ công nghệ mà ra, chứ không phải quy hoạch theo địa điểm theo lối tư duy cũ.
Xử lý rác thải chỉ có thể giải quyết khi kết hợp giữa công nghệ xử lí rác và phân loại rác tại nguồn và quản lý thu gom vận chuyển rác phải đồng bộ. Để làm được những điều này cần sự hợp tác của người dân thông qua quản lý của chính quyền.
>>> TÌM HIỂU NGAY: Cách phân loại rác sinh hoạt hiệu quả